Friday, July 1, 2011

Một trường hợp trao đổi kiến thức đông tây y

Thưa anh Ngọc
Tôi đã đọc kỹ bài ‘’Kỹ thuật thở làm hạ áp huyết cao” anh viết. Bài viết rất rõ ràng, mạch lạc và có lý luận dựa trên cơ chế căn bản TINH,KHÍ,THẦN.

Phải hiẻu rõ nguyên lý TINH,KHÍ,THẦN này thì mới hiểu được những điều anh chỉ dẫn cho bệnh nhân cách luyện tập. Tôi thấy trong KHÍ CÔNG, các động tác THỞ là quan trọng nhất có phải không anh ? Chỉ có một điều tôi hơi thắc mắc là nếu sung huyết não (Oedeme cerebral, hypertension cerebrale) thì tùy theo độ tác động vào mạch máu não mà có thể gây BÁN THÂN BẤT TOẠI ( có phải là anh định nói Hemiplegie không anh ?), thế nhưng THIẾU MÁU (hypotension grave) thì theo Tây y ít gây hoặc không gây BÁN THÂN BẤT TOẠI mà có thể gây ngất xỉu hoặc ngã qụy vì ANOXIE CEREBRALE. Anoxie cerebralel lâu qúa làm bộ óc thiếu oxygen toàn bộ và ít khi khu trú (localiser) như trong trường hợp bị thuyên tắc (embolie cerebrale) hay bể mạch máu đầu (Hemorragie cerebrale). Tuy nhiên, vì căn bản lý luận khởi thủy từ những điểm khác nhau, nên sự suy diễn và những cách chữa trị sẽ khác nhau, đây là điều mà giữa Đông và Tây y không thể tranh luận được. Nhưng phải công nhận một điều, đông y và KHÍ CÔNG đã chữa trị và phòng ngừa được rất nhiều những trường hợp đặc biệt. Tôi sẽ phổ biến những biên khảo của anh tới những đồng bào, những người thân để rộng đường săn sóc tốt cho sức khỏe của mình.

Xin khâm phục anh Ngọc đã dầy công luyện tập, để nhiều thời giờ viết và phổ biến cho đồng bào những biên khảo giá trị, cũng như đã chẩn đoán và chữa trị thành công cho nhiều trường hợp bệnh hiểm nguy, không ngần ngại thời gian và đường xá xa xôi, một công tác CỨU NHÂN ĐỘ THẾ với tất cả tính tình đôn hậu của anh.

Mong anh lúc nào cũng được bình an và tiếp tục công tác cao qúy của một LƯƠNG Y.

Thân qúy,
BS.ĐPA.

Thân gửi Anh A.,
Tôi muốn tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu khí công của Thầy anh là Bác sĩ Ngô gia Hy, bằng những thử nghiệm của tây y để làm sáng tỏ môn khí công thực nghiệm trong chữa bệnh. Rất có nhiều lý thú đã chứng minh đúng được lý thuyết đông y bằng những dụng cụ phương tiện tối tân của nền y khoa tây phương nói riêng và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nói chung.

Những điều anh thắc mắc là đúng, sung huyết não hay thuyên tắc làm tai biến mạch máu gây bán thân bất toại, nguyên nhân này tây y định bệnh là do cao áp huyết, thì đông y bắt mạch cũng biết là cao áp huyết với đầy đủ dấu hiệu triệu chứng lâm sàng của tây y nhưng tên gọi là do can dương thượng kháng, khi xảy ra tai biến mạch máu não, đông y gọi là can phong nội động, phong không phải là ra ngoài đường gặp gió, nên dân gian hiểu lầm là trúng gió không thuộc bệnh cao áp huyết, mà là trúng cảm, còn can phong là áp lực huyết trong gan cao làm căng đứt mạch máu trên đầu, tây y gọi là stroke..

Bệnh thiếu máu gây ngất xỉu, triệu chứng lâm sàng giống tây y, và cũng không gây tai biến mạch máu não, đông y gọi là can huyết hư, tâm suy.
Còn bệnh thiếu máu não do hậu qủa của việc uống thuốc điều trị bệnh cao áp huyết không được theo dõi áp huyết cẩn thận mỗi ngày, và có thể đã bị stroke nhẹ nhiều lần làm tắc nghẹt máu trên đầu gây áp huyết cao thường xuyên, đến khi áp huyết đã được ổn định vẫn cứ tiếp tục uống thuốc suốt đời khiến cho áp huyết tụt xuống qúa thấp làm não thiếu máu dẫn đến thiếu oxy trong não, thì bệnh này trong đông y không có, vì cách chữa của đông y là lập lại quân bình đúng và đủ, không có vị thuốc nào phải uống suốt đời. Nếu dùng máy đo oxymètre (SpO2) đo trên ngón tay có thể thấy trường hợp này chỉ số oxy dưới 90, nhịp tim dưới 50 .

Bởi vì đông y chữa bệnh cao áp huyết tên gọi là chứng can dương thượng kháng khi bắt mạch cho toa và theo dõi điều trị đến khi âm dương khí huyết quân bình, hết triệu chứng can dương thượng kháng thì không cần uống thuốc nữa, nhưng khi chứng can dương thượng kháng không được chữa để xảy ra can phong nội động tức là tai biến mạch máu não (stroke) thì đông y cũng không có thể chữa được.

Đông tây y tuy vẫn còn khoảng cách là do danh từ chuyên môn khác biệt, nhưng thật ra, đông tây y có thể bổ sung cho những khuyết điểm của nhau để cùng đạt được kết qủa chữa bệnh đến chỗ ưu việt.

Đối với cơ thể con người có những điều huyền diệu, tây y gọi là hệ thống miễn nhiễm phòng chống bệnh, thì đông y gọi nó là vệ khí. Nhưng khi vệ khí suy yếu phát sinh bệnh, từ đó cách tìm bệnh của đông tây y mới khác nhau dẫn đến cách chữa khác nhau.

Theo tôi, tây y dùng tây dược, đông y dùng đông dược hiện nay còn mâu thuẫn, nhưng nếu đông dược dùng cây cỏ được phân chất và bào chế theo tây y, còn tây y bớt sử dụng hóa chất độc hại gây phản ứng phụ mà nghiên cứu tính dược trong cây cỏ thiên nhiên để bào chế thuốc, thì thuốc đông tây y không có gì khác nhau cả.

Còn cách tìm bệnh, phải công nhận tây y có đầy đủ dụng cụ và phương tiện chẩn đoán bệnh rất nhanh, tiến bộ và chính xác, nhưng lại bị giới hạn vào khả năng của thuốc chưa đáp ứng với mong muốn của thầy thuốc. Cho nên vẫn còn nhiều căn bệnh nan y đành bó tay.

Riêng cách chữa bệnh của đông y có nhiều cách chữa, chữa bằng thuốc hay chữa bệnh bằng thức ăn gọi là ngoại dược, và chữa bằng châm cứu huyệt hay khí công là nội dược.

Chữa bệnh bằng châm cứu hay bằng đông dược hiện nay chưa có một phát minh nào nổi tiếng được phổ biến như kết qủa của tây y, còn chữa bệnh bằng khí công có vẻ mơ hồ, hoang tưởng, chưa được mọi người công nhận vì không có tính khoa học, mặc dù có những kết qủa thần kỳ.
Đúng như anh nói, khí công quan trọng là khí. Nhưng dùng khí để chữa bệnh còn nhiều nghi vấn. Vì thế, như trên tôi đã nói, nguyện vọng của tôi là nghiên cứu khí công đi tìm sự thật, trong nhiều dịp tôi có cơ hội được thân nhân người bệnh mời vào bệnh viện, chỉ cần tác động đúng trên huyệt cần thiết để điều chỉnh lập lại quân bình âm dương thì khí huyết trong cơ thể bệnh nhân thay đổi, và mọi người có thể thấy được kết qủa thần kỳ qua các dụng cụ máy móc thử nghiệm gắn trên mình bệnh nhân thay đổi từ xấu đến tốt.

Nhiều những thử nghiệm khác chứng minh cho thấy sự hữu hiệu của những dụng cụ y khoa, như có lần bệnh nhân khai bệnh đau tê cánh tay một bên, tôi dùng máy đo áp huyết đo hai tay thấy khác nhau, một bên bình thường 130/90mmHg, bên kia 170/110mmHg. Tôi hỏi bệnh nhân đau tay bên nào, họ chỉ cho biết bên có áo huyết cao, có nghĩa là bên bị tắc ống dẫn máu. Đông y nói đau là không thông, thông là không đau (thống thì bất thông, thông thì bất thống), như vậy tôi chỉ bấm các đầu ngón tay cho thông, rồi đo lại áp huyết bên tay đau thấy trở lại bình thường, rồi bảo bệnh nhân thử vận động xem còn đau không thì họ nói không còn đau nữa. Điều này không có gì lạ, đó là tôi ứng dụng công trình nghiên cứu của Bác sĩ Ngô gia Hy đã kết luận : “Thở bằng ngực, thần kinh ngoại biên bị co thắt khiến máu không lên não và ra được đến đầu các ngón tay, áp huyết sẽ tăng “. Nếu xem câu nói này là định lý thuận, thì định lý đảo của tôi sẽ là : Tê đau tay vai làm hơi thở bị rút lên ngực, hay stress, căng thẳng, thần kinh ngoại biên bị co rút, là người có áp huyết cao.

Tôi đã thử trên bản thân tôi bằng máy đo áp huyết ở 3 trường hợp khác nhau. Thở bình thường, áp huyết đo được 125/80mmHg, thở nâng ngực, hoặc thở dồn dập, áp huyết tăng 175/95mmHg, hát 1,2,3.. nhẹ nhàng, các cơ thư giãn, không nâng ngực, chỉ thở bằng bụng, áp huyết đo được thấp nhất là 106/65mmHg.

Khi hiểu được nguyên tắc do công trình nghiên cứu của Bác Sĩ Ngô Gia Hy, đem vào ứng dụng chữa bệnh cao áp huyết rất dễ dàng.

Trường hợp những người bị bệnh Parkinson, hay những người bị stroke, hai chân cứng không đi lại dễ dàng, mặc dù uống thuốc cao áp huyết đã ổn định, nhưng thật ra nếu dùng máy đo áp huyết trên tay thì bình thường (130/80mmHg), đo ở hai bên cổ chân, nơi huyệt Tam âm giao, thì áp huyết tăng cao, (240/110mmHg)theo đông y là do tắc ống dẫn máu mạch đùi làm tăng áp lực máu ở chân, đông y chỉ cần cho thông những đường kinh chân, và nếu dùng máy đo lại, áp huyết ở chân trở lại bình thường (140/90mmHg, bình thường áp lực huyết 003 châm phải lớn hơn ở tay 10mmHg) thì việc đi đứng sẽ dễ dàng..

Có trường hợp tai biến mạch máu não bị hôn mê sâu (coma), scan thấy đầy máu bầm trên não, kết luận là não chết, tây y đành bó tay, thì ứng dụng công trình nghiên cứu kinh mạch huyệt đạo của cổ nhân, dùng huyệt thông máu não làm tan máu bầm trong não cũng có kết qủa. Có người hỏi vậy thì máu trong não đi đâu. Câu trả lời sẽ thấy rõ là bệnh nhân trào máu bầm ra mũi, miệng, ra theo đường tiểu có máu bầm nâu đen, khi ra hết, scan lại não thấy không còn máu bầm, bệnh nhân tỉnh lại, người ta gọi là miracle.

Các ứng dụng kinh mạch huyệt đạo đã được tôi theo dõi kiểm chứng bằng các phương tiện dụng cụ tây thấy có kết quả như, có huyệt làm mở mắt, có huyệt làm hôn mê tỉnh lại, có huyệt làm tăng oxy cho não, tăng oxy cho tim, tăng oxy cho máu, làm tăng giảm nhịp tim, làm mở van tim bị hẹp, làm co van tim bị hở.

Có trường hợp một bệnh nhân nữ 94 tuổi, nhiều lần bị tai biến mạch máu não, stroke nhẹ đứt những sợi thần kinh trên sọ não, áp huyết tăng cao thường xuyên được điều trị tại bệnh viện. Tôi quan sát thấy thở mạnh bằng ngực, mặt đỏ bầm, trán nóng, sưng phù mặt và bàn tay phải, môi dưới xệ xuống, miệng không khép kín được. Những dấu hiệu này, đông y định bệnh là cao áp và hở van tim, thiếu oxy não. Tây y kết luận, não chết không thể chữa, chỉ cần chờ thân nhân đến là làm thủ tục vĩnh biệt. Tôi nhìn chỉ số thở của máy đo SpO2, hiện lên hai số, số bên trái chỉ oxy, thông thường, chỉ số oxy này dưới 90 là bệnh viện phải cho máy oxy trợ thở, trường hợp bệnh nhân này không nằm trong tình trạng cấp cứu, vì máy đo chỉ 96. số bên phải chỉ nhịp đập của tim là 75, đó là con số lý tưởng, nhưng bà này không được chữa, Tôi dùng máy đo SpO2, để kiểm soát lại sự tuần hoàn của từng đường kinh mạch theo đông y, kẹp vào từng đầu ngón tay tay một, ngón út bên trái theo đông y là nơi máu từ tim ra, bên phải là máu thu về tim, ngón thứ tư áp út bên trái chỉ hệ thống đường ống dẫn máu tuần hoàn toàn cơ thể, bên phải chỉ áp lực khí đẩy máu tuần hoàn, ngón giữa bên trái chỉ động mạch, bên phải chỉ tĩnh mạch.

Các con số của máy thay đổi khác nhau, có ngón thì 88/ 115, 90/65, 70/55, 97/80… Những đường kinh có sự tuần hoàn bất bình thường được tôi hướng dẫn cho người nhà điều chỉnh và đo lại hai tay hai chân đều giống nhau 94/70. Thần sắc bệnh nhân tươi tỉnh, môi đã khép kín, tay chân cử động mạnh.

Và ngày nào thân nhân cũng điều chỉnh giữ vững con số như vậy, nhưng bác sĩ điều trị ngày nào cũng hỏi thân nhân ở Việt Nam sắp qua đây chưa. Người nhà nói với bác sĩ điều trị là tôi thấy má tôi khỏe hơn trước nhiều rồi, nếu não chết thì không thể có tình trạng khá như thế này được, người nhà cho tôi biết, bây giờ bác sĩ điều trị cũng đã thấy khá, không còn nói là não đã chết, mà nói vì bệnh nhân bây giờ không ăn không nuốt được. Người nhà đề nghị xin cho ăn bằng đường ống vậy.

Tôi nghĩ nếu trong những trường hợp bệnh thập tử nhất sinh mà được tây y và đông y khí công kết hợp chắc sẽ mang lại nhiều kết qủa hơn, hoặc ngược lại, các bác sĩ được hiểu biết về đông y khí công đem ứng dụng vào việc chẩn đoán và đều trị mới thực là một lương y tuyệt vời đem lại nhiều may mắn cho bệnh nhân.

Tôi mong rằng với kiến thức, tài năng, và kinh nghiệm tây y của anh mà tiếp tục nối nghiệp công trình nghiên cứu khí công của Thầy anh, Bác Sĩ Ngô Gia Hy, và đem ra giảng dạy trong đại học, thì nhân loại sẽ có được các bác sĩ ưu tú nhất trên hành tinh này..

Thân ái,
doducngoc

Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá